
Luật sư tại phiên tòa
Không thi hành án dân sự có phải chịu trách nhiệm gì không?
Trong thực tế, một trong những khó khăn trong công tác thi hành án dân sự đó là người phải thi hành án có đủ điều kiện thi hành án mà không thi hành án, không tự nguyện chấp hành quyết định thi hành án. Do vậy, để đảm bảo cho việc thi hành án dân sự tiến hành đúng pháp luật, nhanh chóng và hiệu quả, pháp luật quy định việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thi hành án như thế nào?
Giải quyết vấn đề:
Quy định pháp luật của nhà nước trong thi hành án dân sự luôn khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án, tuy nhiên, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không thi hành án sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Điều này được thể hiện rõ trong quy định tại Điều 9 và Điều 46 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Trường hợp người phải thi hành án vẫn cố tình không chấp hành, pháp luật cũng đưa ra những chế tài để xử lý vi phạm, cụ thể khoản 1 và khoản 2 Điều 165 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014) quy định như sau:
“1. Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về thi hành án thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.”
Tùy theo tính chất và mức độ người phải thi hành án có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội không chấp hành án.
“1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
Thời hạn phải thi hành Bản án dân sự của Tòa án là bao lâu?
Trong công tác thi hành án còn tồn đọng rất nhiều khó khăn và một trong những khó khăn đó có thể đến từ mặt khách quan và chủ quan của các đương sự trong thi hành án. Vậy để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các đương sự trong thi hành án thì theo quy định của pháp luật, thời hạn phải thi hành Bản án dân sự của Tòa án là bao lâu?
Giải quyết vấn đề:
Pháp luật thi hành án hiện hành không có quy định cụ thể thời hạn bao nhiêu lâu phải thi hành xong bản án dân sự của tòa án, bởi lẽ tùy từng trường hợp cụ thể mà hiệu quả thi hành án nhanh hoặc chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: người phải thi hành tự nguyện nộp tiền, tài sản để thi hành án hoặc người được thi hành án và người phải thi hành án thỏa thuận được với nhau về việc thi hành án hoặc tài sản của người phải thi hành án bị kê biên, bán đấu giá mà có người mua ngay… thì việc thi hành án sớm thực hiện xong. Ngược lại, nếu tài sản của người phải thi hành án bị kê biên, thông báo bán đấu giá nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc tài sản kê biên có tranh chấp phải khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết… thì việc thi hành án khó thực hiện xong một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này có quy định thời hạn thực hiện công việc nhất định trong quá trình thi hành một bản án dân sự, ví dụ một số trường hợp:
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án (khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014).
– Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Chấp hành viên phải lập hồ sơ thi hành án (khoản 1 Điều 8 Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/07/2015 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự)
– Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay (khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án (Điều 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Tài sản đã kê biên được bán theo các hình thức bán đấu giá, bán không qua thủ tục đấu giá; việc bán đấu giá đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện; đương sự có quyền thoả thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản. Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá. Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng (Điều 101 Luật Thi hành án dân sự năm 2008).
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án (khoản 5 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014).v.v.
Từ những phân tích trên, để đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình trong thi hành án, đương sự cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thi hành án đang tổ chức việc thi hành án đề nghị cho biết tình trạng giải quyết việc thi hành án và cũng đề nghị cơ quan thi hành án tích cực tổ chức việc thi hành án đúng thời hạn của các công việc cụ thể để bảo đảm lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.
CÔNG TY LUẬT TNHH HÀ TRỌNG ĐẠI VÀ CỘNG SỰ
☎️Giám đốc: 0987.803.484 (Luật sư Hà Trọng Đại)
Địa chỉ: Tầng 2, Toà nhà B5/D6 ngõ 56 Trương Công Giai, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Email: luathatrongdaivacongsu@gmail.com
