Trả lời câu hỏi về Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở

Trả lời câu hỏi về Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở

Câu 1: Quyền của chủ nhà khi bị người lạ đột nhập và tấn công bằng hung khí:

Theo Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là quyền hiến định do đó pháp luật công nhận và bảo vệ quyền và lợi ích của công dân đối với chỗ ở của mình. Chỗ ở của công dân là bất khả xâm phạm, không ai được tự ý vào nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về quyền của chủ nhà khi người khác xâm phạm gia cư bất hợp pháp. Pháp luật cũng chưa có quy định quyền của chủ nhà được phép tấn công trộm đột nhập. Người lạ đột nhập vào nhà và tấn công bằng hung khí dù với ý định cướp, trộm hay mục đích khác cũng đều là vi phạm pháp luật và chủ nhà có quyền chống trả, nhưng việc chống trả của gia chủ phải ở mức cần thiết thì mới được xem là phòng vệ chính đáng.

Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”.

Thông thường, Tòa án chỉ chấp nhận hành vi chống trả là phòng vệ chính đáng khi kẻ trộm tấn công trước, kẻ trộm đã đang lấy trộm tài sản giá trị, hoặc đang cầm vũ khí trên tay…

Câu 2: Cách xử lý của chủ nhà khi bị trộm tấn công:

Trước hết, ta cần nắm được một đặc điểm tâm lý của kẻ gian là rất sợ bị phát hiện và khi bị phát hiện thì phản xạ đầu tiên là bỏ chạy hoặc chống trả nếu không bỏ chạy được. Hiện nay, các đối tượng đột nhập thường mang theo hung khí nguy hiểm nên nếu bị bắt giữ thì họ có thể tấn công trở lại. Vì vậy, xử lý tình huống với kẻ gian đột nhập phải hết sức thận trọng, trên nguyên tắc là phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình và người khác, thu thập càng nhiều dấu vết, thông tin của đối tượng để bắt giữ hoặc để cơ quan chức năng truy xét. Cụ thể:

– Trường hợp kẻ trộm chưa phát hiện ra chủ nhà còn thức và đang theo dõi chúng, chủ nhà cần cố gắng giữ yên lặng và tranh thủ ghi nhớ đặc điểm nhận dạng kẻ trộm để sau đó cung cấp cho cơ quan công an. Nếu chúng ta có thể nấp ở một chỗ an toàn và giữ khoảng cách xác định người lạ là trộm thì có thể hô hoán để kẻ trộm bỏ chạy.

– Trường hợp kẻ trộm manh động, chủ nhà có thể dùng lời nói để thuyết phục hoặc hành động khác để phân tán sự chú ý của kẻ trộm rồi tận dụng cơ hội để thoát khỏi sự nguy hiểm. Chủ nhà chỉ nên chống trả kẻ trộm khi thấy mình có đủ khả năng, nhưng cũng phải trong giới hạn cần thiết.

Việc bắt giữ đối tượng khi tương quan lực lượng không có lợi, khi chủ nhà không đủ sức, không ở lợi thế thì rất có thể sẽ gặp nguy hiểm. Bởi vậy, kỹ năng xử lý tình huống trộm đột nhập là yếu tố sống còn để quyết định việc bắt trộm có an toàn hay không. Khi bắt, khống chế được kẻ trộm phải báo ngay cho cơ quan chức năng, tuyệt đối không được hành hung, gây thương tích cho kẻ trộm vì pháp luật không cho phép.

Luật sư Phạm Kỳ Dương – Phụ trách lĩnh vực Hình sự – 0986.506.668

Câu 3: Trường hợp chủ nhà lỡ tay đánh chết tên trộm tấn công mình trước sẽ bị xử lý:

Trường hợp tên trộm đột nhập vào nhà và tấn công trước, nếu chủ nhà không có những hành động chống trả thì chắc chắn sẽ có những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Do đó sẽ có hai trường hợp chống trả khi tên trộm tấn công và một trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần vị kích động mạnh dẫn tới các hệ quả pháp lý như sau:

Thứ nhất, trường hợp phòng vệ chính đáng:

Căn cứ vào khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm“.

Theo đó, khi kẻ trộm đột nhập và chủ động tấn công trước bằng một số vũ khí nguy hiểm đe dọa tính mạng, khiến chủ nhà bị thương (dùng dao đâm, chém, …) chủ nhà được quyền chống trả trước những sự tấn công từ phía kẻ trộm và có thể trong lúc giằng co, khống chế lỡ tay đánh chết kẻ trộm. Việc chống trả với kẻ trộm không nhằm mục đích giết chết kẻ trộm mà để phản kháng lại các hành vị nguy hiểm đe dọa mạng sống của mình thì được coi là trường hợp phòng vệ chính đáng. Chủ nhà phải chứng minh có việc phòng vệ chính đáng. Trong trường hợp đó, người phòng vệ chính đáng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, trường hợp vượt quá phòng vệ chính đáng:

Căn cứ vào khoản 2 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

“2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Đối với các hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. (Việc xác định như thế nào là vượt quá phòng vệ chính đáng sẽ do cơ quan có thẩm quyền đánh giá dựa trên tính chất, mức độ, mục địch của hành vi gây thiệt hại và hành vi phòng vệ). Trong trường hợp này, mặc dù chủ nhà không có lỗi cố ý và mục đích không để giết người nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, hình phạt nhẹ nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; Trường hợp phạm tội đối với 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Thứ ba, trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh:

Tình trạng tinh thần bị kích động là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người. Hành vi đánh chết kẻ trộm do tên trộm tấn công chủ nhà hoặc người thân của chủ nhà trước và hành vi trái pháp luật của tên trộm phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần. Đối với trường hợp này, người chủ nhà sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 125 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định:

1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”.

Câu 4: Các quy định của pháp luật hiện nay về phòng vệ chính đáng:

Phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả cần thiết khi bị người khác xâm phạm về tính mạng sức khỏe. Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật mà nó còn thể hiện thái độ tích cực chống trả sự xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hoặc của người khác.

Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”

Khi xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tụ đủ các yếu tố:

– Về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm).

– Về phía người phòng vệ: Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, có thể là thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm.

– Hành vi chống trả là cần thiết: Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.

Trường hợp hành vi chống trả của người phòng vệ rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì đó là vượt quá phòng vệ chính đáng và người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự và các hành vi tương ứng như: giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá phòng vệ chính đáng.

Nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà gây ra hậu quả chết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017:

“1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.”

Nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà gây thương tích thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017.

Tuy nhiên, vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự với người vượt quá giới hạn của phòng vệ chính đáng vẫn có thể được giảm nhẹ khi căn cứ vào lỗi của nạn nhân; mục đích của hành vi chống trả chỉ nhằm phòng vệ; người vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không còn thời gian để lựa chọn cách giải quyết khác.

——————————-

CÔNG TY LUẬT TNHH HÀ TRỌNG ĐẠI VÀ CỘNG SỰ

☎️Phó Giám đốc: 0986.506.668 (Luật sư Phạm Kỳ Dương)

🏛 Địa chỉ: Tầng 2, Toà nhà B5/D6 ngõ 56 Trương Công Giai, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Email: luathatrongdaivacongsu@gmail.com

Digiqole Ad

admin

Related post

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *