Trong trường hợp nào thì được hoãn thi hành án?

Diệm Thị Phương Thảo – Phụ trách lĩnh vực Sở hữu trí tuệ – 094.660.9933

Trong trường hợp nào thì được hoãn thi hành án?

Trong quá trình tổ chức thi hành án, hoãn thi hành án là việc cơ quan thi hành án dân sự quyết định tạm dừng việc tổ chức thi hành bản án, quyết định khi có căn cứ pháp luật quy định. Có nhiều lý do khiến việc thi hành án bị hoãn và đến từ nhiều phía của đương sự. Vì vậy, pháp luật thi hành án dân sự quy định thế nào về các trường hợp được hoãn thi hành án?

Giải quyết vấn đề:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về việc Hoãn thi hành án, thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp sau:

– Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án;

– Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

– Đương sự đồng ý hoãn thi hành án; việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của đương sự; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác;

– Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này; tài sản được kê biên theo Điều 90 của Luật này nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm;

– Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 của Luật này;

– Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận;

– Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

– Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Luật này.

Ngoài ra, để hiểu rõ hơn về các trường hợp hoãn thi hành án dân sự, căn cứ hoãn thi hành án dân sự có thể được phân ra hai trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn chủ yếu vì lý do khách quan như: Khi người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án; Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định; Luật không quy định thời hạn hoãn đối với quyết định hoãn của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự trong những trường hợp này.

Trường hợp thứ hai: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị.

Đối với trường hợp này Luật quy định rõ về thời điểm tiếp nhận yêu cầu cũng như thời hạn hoãn:

– Thời điểm tiếp nhận yêu cầu chia làm hai mốc cụ thể:

+ Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế.

+ Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết. Trường hợp này được hiểu là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn hoặc không.

– Số lần yêu cầu hoãn: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án (Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát tương đương) chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.

Thời hạn hoãn: Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án.

——————–

CÔNG TY LUẬT TNHH HÀ TRỌNG ĐẠI VÀ CỘNG SỰ

☎️Chuyên viên pháp lý: 094.660.9933 (Diệm Thị Phương Thảo)

Địa chỉ: Tầng 2, Toà nhà B5/D6 ngõ 56 Trương Công Giai, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.

Email: luathatrongdaivacongsu@gmail.com

Digiqole Ad

admin

Related post

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *